Nắm bắt “nhịp đập” thị trường bất động sản cuối năm
Nắm bắt “nhịp đập” thị trường bất động sản cuối năm
Ðầu tháng 11, Bộ Xây dựng chính thức công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (BÐS) quý III-2021 trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan trên cả nước. Ðây là những thông tin quan trọng, cần thiết để các địa phương, trong đó có TP Cần Thơ định hướng quản lý thị trường BÐS phù hợp, các nhà đầu tư nắm bắt “nhịp đập” thị trường để có những kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp.
Hoạt động thi công công trình dân dụng của Công ty TNHH T-Design Coporation.
Nhiều phân khúc BĐS sụt giảm
Theo Bộ Xây dựng, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát mạnh từ cuối tháng 7-2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, Cần Thơ... Qua đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Các địa phương cũng huy động mọi nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020 do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh. Ðây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Cụ thể, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.
Trong từng phân khúc BÐS cụ thể, lượng giao dịch đều ghi nhận có sự sụt giảm so với quý II-2021. Phân khúc được ghi nhận có giao dịch thành công tập trung vào đất nền trong khi BÐS nhà ở cao cấp giảm. Ở phân khúc đất nền, mức giá ở nhiều địa phương cơ bản không thay đổi so với quý trước. Nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương cơ bản giữ mức giá đã được xác lập trong quý II-2021, nguyên nhân là do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thị trường nhà ở riêng lẻ chịu nhiều ảnh hưởng. Ðặc biệt trong quý III, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hầu như không có dự án nhà ở riêng lẻ nào mở bán.
Thị trường văn phòng cho thuê, phân khúc hạng A gần như không bị ảnh hưởng, không có biến động nhiều nhưng phân khúc hạng B, C, doanh nghiệp trả mặt bằng ước chiếm 30%. Nhiều chủ đầu tư giảm nhẹ giá thuê và nhiều tòa nhà chấp nhận thương lượng thêm nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho khách thuê mới trong bối cảnh dịch bệnh. Do thiệt hại nặng từ quý III nên bước sang quý IV, phân khúc này chỉ có thể phục hồi khi xã hội “bình thường mới” hoàn toàn, nền kinh tế bắt nhịp trở lại. Ðối với mặt bằng thương mại, trong quý III, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mặt bằng nhà phố thương mại đã đóng cửa nhiều, các trung tâm thương mại phải chấp nhận câu chuyện giảm giá thuê, shophouse ở khu vực trung tâm và các trục đường chính cũng đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Giá thuê mặt bằng tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Tác động đến nền kinh tế nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành BÐS không phải là một ngoại lệ. Hoạt động giao dịch mua, bán BÐS trên thị trường bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận... trong khi BÐS là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.
Chờ cơ hội phục hồi
Nằm trong xu thế chung của cả nước, một số dự án BÐS như đất nền, nhà phố tại Cần Thơ đang trong giai đoạn tái khởi động các hoạt động đầu tư, kết nối giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Tuy nhiên, các loại hình BÐS liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ còn rất nhiều khó khăn. Các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại TP Cần Thơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ yếu tố dịch bệnh nhiều cơ sở thậm chí không có doanh thu, hoạt động cầm chừng. Sang quý IV, lượng khách thuê phòng bắt đầu tăng trở lại nhưng không đáng kể.
Bà Ðặng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà hàng - Khách sạn Linh Phương, quận Ninh Kiều, cho biết: Trong giai đoạn giãn cách xã hội, đơn vị xoay sở bằng cách đăng ký hoạt động theo “3 tại chỗ” và cho 1 doanh nghiệp thuê phòng làm nơi lưu trú để công nhân sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”. Sang tháng 10, đơn vị bắt đầu nhận khách trở lại nhưng hoạt động không quá 30% công suất, khách đến lưu trú cũng chủ yếu là khách đi công tác tại Cần Thơ chứ không có khách du lịch.
Nhìn chung, các nhà đầu tư vào BÐS nhà hàng, khách sạn có những nỗ lực để cầm cự và vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển kinh tế du lịch ở Việt Nam sẽ phát triển trở lại, hoạt động đi lại, du lịch được mở cửa lại trong thời gian tới. Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Ðại Nam Gia, kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn ở quận Ninh Kiều, chia sẻ: Do phải vay vốn ngân hàng để đầu tư vào khách sạn nên khi tạm ngưng hoạt động thời gian dài, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã được ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ sang năm 2022 nhưng công ty cũng mong dịch bệnh tại TP Cần Thơ được kiểm soát tốt hơn, thu hút được khách du lịch đến Cần Thơ, thu hút khách đến thuê phòng, công ty mới có cơ hội thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng khi đến kỳ hạn.
Hầu hết các dự án phát triển BÐS trên cả nước trong đó có TP Cần Thơ đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Tuy nhiên ở khu vực tư nhân, sau giai đoạn giãn cách, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây dựng đã bắt tay ngay vào các công trình còn dang dở. Ông Nguyễn Minh Thế, Giám đốc Công ty TNHH T-Design Coporation, quận Cái Răng, chia sẻ: Nhờ lực lượng nhân công đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên công ty khởi động lại hoạt động thi công các công trình dân dụng cho khách hàng từ tháng 10 và tranh thủ chạy nước rút để bù đắp khoảng thời gian tạm dừng do giãn cách. Các công trình thi công thời điểm cuối năm tăng chi phí vật tư khoảng 10%. Hiện công ty đang triển khai 17 hợp đồng thi công đã ký kết từ trước. Ðối với những hợp đồng mới, công ty cũng tư vấn khách hàng có thể xem xét dời thời điểm khởi công sang sau Tết Nguyên đán năm 2022 để chờ giá vật tư bình ổn trở lại.
Các chuyên gia trong lĩnh vực BÐS đánh giá lực cầu vẫn duy trì mạnh song sẽ khó xuất hiện tình trạng giao dịch theo hình thức “lướt sóng” như những năm trước. Thị trường BÐS từ nay đến hết năm 2021 dự báo sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là nền kinh tế khu vực phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thanh khoản BÐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công... tăng. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về BÐS, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.
Nguồn: Sưu tầm
Xem thêm:
Thời điểm này, quận Ô Môn đang tập trung cao độ cho công tác...
Ở một nơi đang có tốc độ đô thị hóa như Cần Thơ thì các...
Nam A Bank Cần Thơ khai trương trụ sở mới đáp ứng nhu cầu...
Dự án thành phần 2 thuộc tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ...
Trong 5 dự án được thống nhất giao chi tiết vốn đầu tư công...
Với vị trí giao thoa giữa hai thành phố năng động vùng ĐBSCL...
Sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư đất là lựa chọn...
Cần Thơ sẽ có thành phố sân bay khoảng 10.000ha, Thông tin này...
Liên hệ ký gửi nhà đất